Tây Du Ký lạ truyện: Kiếp nạn thứ 82 là tác phẩm mới của điện ảnh Hoa ngữ, được đạo diễn Khiếu Thú Dịch Tiểu Tinh chuyển thể từ series phim hài Vạn vạn không ngờ tới. Nội dung của tác phẩm điện ảnh được xây dựng ngược lại tiểu thuyết kinh điển - Tây Du Ký - của Ngô Thừa Ân.
Bốn thầy trò Đường Tăng trong phim mới khôi hài vì ngược tính cách với tiểu thuyết gốc.
Phim mới xây dựng ngược tạo hình, tính cách, phục trang và lời thoại của cả bốn nhân vật - Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng. Sư phụ Đường Huyền Trang trong bản gốc vốn là người đạo mạo, chỉn chu, thương đệ tử, có tâm trong sáng, một lòng tin vào Phật pháp và ngày đêm mong mỏi sang Tây trúc thỉnh kinh. Trong khi đó, Đường Tăng của bản mới ăn mặc xuề xòa, không để ý tới trang phục, ăn nói khiếm nhã, không thương đệ tử, dễ bỏ đường tu khi gặp hoạn nạn và thậm chí tham ăn hơn cả Trư Bát Giới.
Tôn Ngộ Không thay vì tinh quái như bản gốc lại là kẻ ăn diện, chải chuốt, thích con trai, lắm lời, thích tranh cãi và hậu đậu trong những lúc mất pháp lực. Tuy nhiên, tính cách chủ đạo của anh là luôn trừ gian diệt bạo vẫn được giữ nguyên như bản gốc. Trư Bát Giới không béo mập như truyện cũ mà gầy, có vẻ thư sinh còn Sa Tăng béo và hay khóc nhè khi gặp hoạn nạn.
Một cảnh giữa hai nhân vật yêu nhau trong phim.
Lối làm ngược đời tăng chất hài đáng kể cho phim khi được kết hợp với phong cách hài nhảm. Các nhân vật trong phim luôn nói những câu nghe nhảm nhí, ngược với suy nghĩ thực của bản thân. Họ bông đùa, bỡn cợt tưng tửng cốt để trêu chọc người còn lại. Tuy nhiên, trong bụng họ không nghĩ như vậy. Lời thoại, ứng xử nhí nhố này vốn quen thuộc trong các phim hài của Châu Tinh Trì. Mọi chi tiết hài hước trong phim đều hợp logic.
Đằng sau phong cách hài nhảm là kịch bản chặt chẽ, lớp lang và nhiều bất ngờ. Thực chất, chuyện thầy trò Đường Tăng gặp kiếp nạn trong phim chỉ là phần phụ. Tác phẩm mượn chuyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh để khéo kể một câu chuyện mới xoay quanh tham vọng quyền năng và tình yêu. Phim kể về cuộc tranh giành một báu vật chứa sức mạnh vô song giữa các yêu ma tốt xấu lẫn lộn ở một ngôi làng nọ - nơi thầy trò Đường Tăng đi qua. Câu chuyện pha trộn nhuần nhị và ngọt ngào giữa chất kiếm hiệp ma quái với chất ngôn tình.
Các màn hành động trong phim tận dụng kỹ xảo.
Tây Du Ký lạ truyện là phim giả tưởng. Rải đều trong câu chuyện tranh đoạt ma lực và tình yêu đôi lứa là những pha hành động được xử lý hoàn toàn bằng công nghệ vi tính. Các màn giao đấu giữa đại hiệp võ công và yêu quái hoặc giữa Tôn Ngộ Không và yêu quái trong phim đều dùng kỹ xảo thay vì đánh đấm tay chân thực. Lối làm hành động trong các cảnh kịch tính này thỏa mãn người xem ưa thích kiểu phim phép thuật hơn là đánh tay chân.
Các diễn viên trong phim diễn xuất tròn vai trong tác phẩm đông nhân vật này. Bốn diễn viên Trần Bách Lâm, Lưu Tuần Tử Mặc, Mike D. Angelo, Dịch Tiểu Tinh khéo diễn, phù hợp với tính cách của Đường Tăng khiếm nhã, Ngộ Không ranh mãnh, Trư Bát Giới sành ăn và Sa Tăng mít ướt. Người đẹp Cổ Linh để lại ấn tượng với người xem bằng vai diễn nữ a đầu xinh đẹp, thông minh, bướng bỉnh và đáng yêu. Trong khi đó, nam diễn viên Bạch Khách chiếm thiện cảm bằng vai một tiểu yêu quái hậu đậu nhưng cuối cùng hóa anh hùng.
Poster phim "Tây du ký lạ truyện: Kiếp nạn thứ 82".
Ấn tượng nhất trong phim là diễn xuất của tài tử Mã Thiên Vũ trong vai vị công tử có nội tâm giằng xé - Mộ Dung Bạch. Vẻ điển trai, thơ ngây của nam diễn viên khiến người xem ấn tượng khi nhân vật của anh chưa bị tà ma xâm nhập, còn đôi mắt sắc lạnh của nam diễn viên làm người xem bị ám ảnh trong những cảnh nhân vật biến thành kẻ ác.
Mặc dù tác phẩm nhìn chung hài hước, phim bị điểm trừ khi dùng quá nhiều lời thoại. Các nhân vật nói nhiều hơn hành động khiến người xem đôi khi bị phân tán. Tác phẩm cũng vì thế mà phần nào mang tính sân khấu hoặc truyền hình hơn là phim điện ảnh.
Từ khóa: Tay du ky la truyen, Ton ngo khong kiep nan 82, ngo khong la truyen full hd, phim kiem hiep thuyet minh, tay du ky chieu rap, ton ngo khong la truyen hd, kiep nan 82 tay du ky, phim tay du ky chieu rap moi,
Nguồn bài viết: Vũ Văn Việt